Đa số các developer đều có thói quen đọc blog lập trình, từ newbie cho tới bậc master, bất kể kinh nghiệm ít hay nhiều, mọi người đều có riêng cho mình một list các blog yêu thích và duy trì thói quen đọc mỗi khi rảnh rỗi. Mình cũng vậy, mình cũng có thói quen đọc các blog IT khác mỗi khi có thời gian. Nhưng hơn hết, mình có một số tip để đọc blog IT sao cho hiệu quả, xin được chia sẻ với các bạn qua bài viết này.
I. ĐỌC CẢ NHỮNG CHỦ ĐỀ MÀ BẠN ĐÃ BIẾT
Đừng nghĩ rằng khi đọc blog IT là chỉ đọc những chủ đề bạn chưa biết, mà bỏ qua các chủ đề mà bạn đã biết. Nếu như đọc các chủ đề mới sẽ đem lại cho bạn kiến thức mới, thì đọc các chủ đề quen thuộc sẽ đem cho bạn lại góc nhìn từ người khác. Việc hiểu, nhìn nhận vấn đề dưới nhiều góc độ sẽ giúp bạn có đánh giá khách quan hơn, và đây là điều cực kỳ quan trọng bởi các blog IT đa số đều là các ý kiến, quan điểm cá nhân. Càng có nhiều góc nhìn, càng giúp bạn dễ dàng nhận ra quan điểm nào đúng, quan điểm nào sai, hay ít nhất cũng biết rằng bản thân ủng hộ quan điểm nào.
Việc đọc các chủ đề quen thuộc, cũng khiến bạn dễ dàng đưa ra ý kiến đóng góp hơn là đọc một chủ đề mới toanh. Từ đây tạo điều kiện giúp bạn “tự show” bản thân, rèn luyện tư duy phản biện, rèn luyện khả năng trình bày. Hoặc biết đâu bạn sẽ có thêm nhiều bạn bè mới do cùng quan điểm, hay nếu như ý kiến của bạn có gì không ổn, thì người khác có thể góp ý giúp bạn sớm nhận ra.
Mình không có lời khuyên nào về tỉ lệ đọc các chủ đề đã biết/chưa biết cả, nhưng mình khuyên bạn nên giữ thói quen này – đọc cả những chủ đề mà bạn đã biết.
II. CHIA SẺ CHO AI ĐÓ ĐỌC CÙNG
Ai đó có thể là bạn bè hoặc đồng nghiệp. Việc chia sẻ cho mọi người cùng đọc về cơ bản cũng giúp bạn có thêm ý kiến từ nhiều người, từ đấy mà bạn sẽ có cái nhìn khách quan hơn về chủ đề đang tìm hiểu.
Công ty mình từng có văn hóa là cuối giờ làm việc sẽ dành khoảng 30 phút để tìm hiểu công nghệ mới, thường là đọc các blog IT, sau đó chia sẻ cho mọi người cùng đọc. Đây cũng là khoảng thời gian rôm rả nhất của team vì mọi người thường có quan điểm khác nhau về chủ đề đang thảo luận. Cá nhân mình đã học được thêm rất nhiều điều hay ho từ văn hóa này.
Ngoài việc chia sẻ trực tiếp tới bạn bè hoặc đồng nghiệp, bạn có thể chọn cách chia sẻ lên mạng xã hội (các group facebook về IT) để xem ý kiến của thiên hạ như thế nào – đây cũng là một cách khá hiệu quả để thu nạp ý kiến từ mọi người.
À mà khi chia sẻ, tốt nhất bạn hãy nêu thêm ý kiến cá nhân của mình về chủ đề đó nhé, có như vậy mọi người mới có cái bám vào để thảo luận.
III. BOOKMARK
Các trình duyệt “xịn xò” hiện nay đều có tính năng đánh dấu trang (bookmark). Nhưng mình để ý thì thấy mọi người tận dụng tính năng này chưa tốt lắm. Nếu bạn không tin, thì tự nghĩ lại xem bạn có bao giờ rơi vào trường hợp kiểu “mình nhớ là đã đọc bài một bài viết về chủ đề này rồi, nhưng giờ tìm sao không thấy” chưa? Mỗi khi gặp phải trường hợp như vậy, có lẽ bạn sẽ ước là bản thân đã bookmark lại.
Cá nhân mình cũng rơi vào trường hợp như trên khá nhiều lần, sau đó mình quyết định sẽ tận dụng tính năng bookmark trên trình duyệt một cách hiệu quả hơn để có thể lưu lại các bài viết mà mình cho rằng là cần thiết trong tương lai.
Nói có sách, mách có chứng luôn nhé. Hình dưới là một “góc nhỏ” bookmark các bài viết, blog mà mình thường xuyên ghé qua.

Book các bài viết, blog hay mà mình thường đọc.
Đương nhiên không phải cứ cái gì đọc là bookmark lại hết, mà qua mục này, mình muốn nhắc bạn rằng “trình duyệt nào cũng có tính năng bookmark hết đó, hãy tận dụng tốt tính năng này”.
IV. VIẾT BLOG CHIA SẺ CÁCH NGHĨ CỦA BẠN VỀ CHỦ ĐỀ VỪA ĐỌC
Đây là cách tuy hơi tốn thời gian, nhưng lại đem đến sự hiệu quả tuyệt vời.
Có lẽ bạn đã chán ngấy việc một blog viết nội dung không đầy đủ, khiến mỗi khi bạn có hứng đọc lại, bạn sẽ phải đọc lại rất nhiều bài thì mới tổng hợp được nội dung. Hay trong bài viết của tác giả có những đoạn khó hiểu, mà mỗi khi đọc lại, bạn sẽ mất khá nhiều thời gian để hiểu lại đoạn đó. Cá nhân mình đã trải qua cảm giác này, và đó cũng là động lực chính là mình lập nên blog. Blog này hoàn toàn là do mình viết, và có rất nhiều bài viết mang tính chất tổng hợp kiến thức từ nhiều nguồn – đơn giản để mỗi khi mình đọc lại, mình sẽ dễ hiểu hơn.
Viết blog không chỉ khiến bản thân có thêm một nguồn tài liệu “đáng tin cậy” (thông tin mình tự tìm hiểu thì phải tin rồi), mà còn giúp mình học thêm được nhiều thứ mới. Như để đưa ra một câu kết luận, một câu khẳng định nào đó thì mình phải tìm hiểu rất kỹ, đọc nhiều tài liệu liên quan, xin ý kiến một số người rồi mới dám viết, chứ không phải là “cứ nghĩ sao nói vậy”.
Viết blog chia sẻ cách nghĩ của bạn vừa đem lại lợi ích cho cá nhân, lại vừa đem lại lợi ích cho cộng đồng. Hơn nữa, cần phải có những người viết blog thì mới có chủ đề cho bạn thảo luận, rồi mới có sự ra đời của bài viết này nữa chứ.
V. QUAN TRỌNG: KHÔNG TIN QUÁ NHIỀU VÀO BLOG
Tuy hơi mâu thuẫn nhưng điều này lại rất đúng. Như mình đề cập ở phần đầu, các blog IT hiện nay đa phần đều là các blog cá nhân, và chủ yếu chứa quan điểm cá nhân, kinh nghiệm cá nhân, mà cá nhân thì họ thích sao thì nói vậy. Tuy không dám vơ đũa cả nắm, nhưng suy cho cùng không có một luật nào cấm các cá nhân không được nói nên quan điểm của họ, lại càng không có tổ chức nào đi kiểm duyệt nội dung trên các blog (hoặc kiểm duyệt không hết, lỏng lẻo). Vì vậy bạn không nên dễ dàng tin vào bất kỳ blog nào (đặc biệt là blog phambinh.net).
Khi đọc blog IT, hãy đọc từ nhiều nguồn khác nhau, đừng chỉ lăm le đọc từ blog của “thần tượng”. Hay với các khái niệm công nghệ, hãy ưu tiên kiến thức trên trang chủ của công nghệ đó, hoặc wikipedia thay vì mấy blog IT “viết nhăng viết cuội”. Bạn cũng nên tập thói quen đặt câu hỏi, tập thói quen phản biện và đưa ra quan điểm cá nhân mỗi khi đọc xong một bài viết nào đó, thay vì chỉ biết “người ta nói vậy thì nghe vậy”.
VI. LỜI KẾT
Đọc blog là một thói quen tốt, nhưng sẽ tốt hơn nhiều nếu bạn có các “mẹo” đọc hiệu quả. Đương nhiên, như mục 5, bạn có thể không tin vào bài viết này. Nhưng nếu bạn không tin, thì mình rất muốn biết lý do tại sao. Nếu có thể, hãy cho mình biết ở mục bình luận.